Thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là những thông tin mà bạn nên tìm hiểu. Bởi khi bị xâm phạm về vật chất lẫn tinh thần, bạn có quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại bồi thường theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên trong trường hợp không thể thỏa thuận thì bạn phải làm đơn khởi kiện để được giải quyết theo quy định pháp luật. Hãy theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn vấn đề trên nhé!
1. Bồi thường thiệt hại là gì?
Theo quy định tại khoản 1, Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, danh dự, sức khỏe, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải tiến hành bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này hay luật khác có liên quan quy định khác.
Pháp luật dân sự quy định hiện nay có hai loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.Bồi thường thiệt hại là cơ sở nhằm duy trì trật tự xã hội. Đồng thời nó cũng giúp đảm bảo cho lẽ công bằng trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Cho tới hiện tại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không còn được coi là quy tắc đạo đức mà nó đã được pháp điển hóa và ghi nhận thành một chế định quan trọng trong Bộ luật dân sự năm 2015. Đây là một hình thức trách nhiệm dân sự và được áp dụng rất nhiều trong thực tế hiện nay. Vậy thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là gì? Hãy theo dõi trong các phần tiếp theo nhé!
2. Khi nào được khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại?
Các bên liên quan có thể thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại thông qua thỏa thuận, thương lượng với nhau. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì có thể thực hiện thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại để được giải quyết theo quy định pháp luật.
Nội dung Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rõ: cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để tiến hành khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Do vậy, nếu một người bị thiệt hại ngoài hợp đồng do các hành vi xâm phạm nêu trên thì có thể khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Thẩm quyền giải quyết thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Theo khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định rõ: thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện là giải quyết các tranh chấp về dân sự, trong đó có cả tranh chấp về bồi thường thiệt hại.
Đồng thời, theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc là Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại. Do vậy, nếu muốn khởi kiện đòi bồi thường thì người bị thiệt hại phải gửi đơn khởi kiện đến Tòa án cấp huyện của người gây ra thiệt hại cho mình thường trú hoặc tạm trú.
4. Trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án
Hồ sơ khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại bao gồm
- Đơn khởi kiện
- Ngoài đơn khởi kiện, nếu có các bằng chứng chứng minh mức thiệt hại của bản thân bao gồm danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Bước 2: Hòa giải tại Tòa án
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án có trách nhiệm tổ chức hòa giải giữa các bên trong tranh chấp.
Trường hợp hai bên hoà giải thành công, Hòa giải viên sẽ lập biên bản hòa giải thành. Lúc này các bên liên quan có thể tiến hành làm Đơn đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành công.
Trường hợp hai bên không tham gia hòa giải hoặc tham gia nhưng kết quả hòa giải không thành. Hòa giải viên sẽ lập biên bản, chuyển hồ sơ lên tòa, đề nghị thụ lý giải quyết.
Bước 3: Thụ lý vụ án
Khi nhận đủ đơn khởi kiện, chứng cứ, tài liệu vụ án, Tòa án xem xét nếu thấy thuộc thẩm quyền sẽ:
- Thông báo cho người khởi kiện để tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí.
- Thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa Án. Nếu người khởi kiện không phải nộp hoặc được miễn thì Tòa án sẽ tiến hành thụ lý ngay khi nhận đủ giấy tờ.
Bước 4: Giải quyết vụ án
Sau khi thụ lý, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết theo đúng trình tự xét xử sơ thẩm.
5. Tổng kết
Thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng khá là đơn giản phải không các bạn. Đây là quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta, do đó các bạn hãy nắm rõ để áp dụng khi cần thiết nhé! Nếu cần tư vấn cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi qua:
CÔNG TY LUẬT VIETLINK
Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội
Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM
Hotline/zalo: 0914.929.086
Email: hanoi@vietlinklaw.com
Website: vietlinklaw.vn
Bài viết được lấy nguồn từ https://vietlinklaw.vn/giai-quyet-tranh-chap/thu-tuc-khoi-kien-yeu-cau-boi-thuong-thiet-hai/
Nhận xét
Đăng nhận xét