Hợp đồng mua bán tài sản và những điều bạn nên biết

Hợp đồng mua bán tài sản có thể nói là một dạng hợp đồng dân sự được sử dụng phổ biến bật nhất hiện nay. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, mọi hoạt động kinh doanh đều liên quan đến quan hệ trao đổi, mua bán thì có những hiểu biết về loại hợp động này vô cùng hữu ích cho các bạn. Hôm nay Vietlink Law sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về hợp đồng mua bán tài sản, hãy theo dõi nhé!

1. Hợp đồng mua bán tài sản là gì?

Theo quy định tại Điều 430 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng mua bán (HĐMB) tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên mà theo đó, bên bán sẽ chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua sẽ trả tiền tương ứng với tài sản cho bên bán.

Hợp đồng mua bán tài sản mang ý nghĩa là phương tiện pháp lí tạo điều kiện cho công dân, tổ chức trao đổi hàng hóa, thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Hợp đồng mua bán tài sản 1 

Thông thường, hợp đồng mua bán tài sản được thực hiện ngay sau khi các bên thỏa thuận xong về đối tượng và giá cả. Khi bên mua trả tiền xong thì bên bán sẽ chuyển giao tài sản cho bên mua hoặc bên bán giao vật trước, trả tiền sau tùy theo thỏa thuận từ cả hai phía. Nếu đối tượng của hợp đồng này là một số lượng tài sản lớn thì các bên có thể thỏa thuận chuyển giao tài sản qua nhiều lần và mỗi lần theo một số lượng, khối lượng nhất định. Sau khi các bên thực hiện xong hợp đồng, họ sẽ thỏa mãn các nhu cầu tiêu dùng hoặc sản xuất, kinh doanh.

2. Đối tượng của hợp đồng mua bán

Các tài sản được quy định tại Bộ luật Dân sự đều có thể trở thành đối tượng của Hợp đồng mua bán. Theo đó, đối tượng của dạng hợp đồng này có thể là vật hay quyền tài sản. Chúng phải thỏa mãn được những quy định của pháp luật về chế độ pháp lý của đối tượng trong giao dịch dân sự.

Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản có thể là vật hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, người bán phải có căn cứ chứng minh được vật đó đang hoặc chuẩn bị được hình thành.

Các căn chung cư đang xây được coi là vật hình thành trong tương lai 

Trường hợp các tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của luật, thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó.

 Tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản phải đáp ứng được các điều kiện sau:

- Tài sản đó phải được phép giao dịch.

- Tài sản đó phải được xác định cụ thể.

- Tài sản đó phải không có bất cứ tranh chấp nào về quyền sở hữu.

- Tài sản đó không phải là tài sản đang bị kê biên để thi hành án.

- Tài sản đó không phải là tài sản đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác.

- Tài sản thuộc diện bị hạn chế giao dịch thì việc mua bán phải tuân theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục chuyển giao quyền sở hữu tài sản đó.

- Quyền tài sản thì phải có chứng từ hoặc bằng chứng để chứng minh quyền đó thuộc sở hữu của bên bán.

3. Đặc điểm của hợp đồng mua bán tài sản

HĐMB tài sản có bao gồm 3 đặc điểm cơ bản:

  • Hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng song vụ

Điều này có nghĩa là bên bán và bên mua đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Ví dụ như bên bán có quyền yêu cầu bên mua nhận vật và trả tiền mua vật. Ngược lại, bên mua cũng có quyền yêu cầu bên bán chuyển giao vật và nhận tiền bán vật.

  • Hợp đồng mua bán là hợp đồng có đền bù

Đặc điểm có đền bù trong hợp đồng này là yếu tố phân biệt giữa nó và hợp đồng tặng cho tài sản cũng là dạng hợp đồng không có đền bù. Khoảng tiền mà bên mua phải trả cho bên bán chính là khoản đền bù về việc mua bán tài sản.

  • mục đích chuyển giao quyền sở hữu

Hợp đồng mua bán tài sản có mục đích nhằm chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản từ bên bán sang bên mua. Đây chính là đặc điểm để phân biệt giữa HĐMB tài sản với hợp đồng cho mượn hay thuê tài sản.

4. Hình thức của hợp đồng mua bán tài sản

Hình thức của hợp đồng mua bán tài sản có thể là bằng miệng hay bằng văn bản do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu đối tượng của HĐMB là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì hình thức của HĐMB phải bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Hình thức của hợp đồng này là căn cứ để xác định người bán và người mua đã tham gia vào HĐMB. Từ đó có thể xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Đồng thời cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm dân sự của bên vi phạm hợp đồng.

Hợp đồng mua bán tài sản được thực hiện bằng văn bản 

5. Giá và phương thức thanh toán

Giá, phương thức thanh toán sẽ do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên liên quan. Trong trường hợp pháp luật có quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các bên phải thỏa thuận sao cho phù hợp với quy định đó.

Trường hợp nếu không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá cũng như về phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường còn phương thức thanh toán thì được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.

6. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán tài sản

Thời hạn thực hiện HĐMB tài sản sẽ do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn theo thỏa thuận. Bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.

Khi các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản, đồng thời, bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên còn lại trong một thời gian hợp lý.

Bên mua thanh toán tiền theo thời gian thỏa thuận. Nếu không xác định hoặc có xác định nhưng không rõ ràng về thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán cho bên bán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.

7. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của bên bán

- Bên bán có quyền yêu cầu bên mua phải trả đủ tiền theo đúng thời hạn, đúng địa điểm đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, có quyền yêu cầu bên mua phải nhận tài sản mua bán.

- Bên bán có nghĩa vụ giao tài sản bán cho bên mua đúng thời hạn, địa điểm, phương thức, quy cách như đã thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Ngoài ra, nếu bên mua bị thiệt hại do bên bán không thực hiện đúng những điều khoản trong hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên mua.

- Bên bán phải chịu những rủi ro đối với tài sản cho đến khi giao tài sản cho bên

- Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó. Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với tài sản mua bán trong một thời hạn xác định nếu có thỏa thuận.

- Bên bán phải đảm bảo chất lượng của tài sản bán như đã thỏa thuận và phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của tài sản mua bán.

Bên bán phải chịu các chi phí liên quan đến việc giao tài sản, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Bên bán trao tài sản và nhận tiền theo thỏa thuận 

8. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của bên mua

- Bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải giao tài sản đúng địa điểm, thời hạn, chủng loại, chất lượng như đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật

- Khi bên mua chưa nhận tài sản, thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán bảo quản tài sản cho đến thời điểm tài sản được bên mua nhận.

- Bên mua có quyền yêu cầu bên bán cung cấp thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó.

- Trong thời hạn bảo hành nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của tài sản mua bán, thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa mà không phải chịu chi phí sửa chữa; quyền yêu cầu giảm giá, đổi tài sản bị khuyết tật lấy tài sản khác hoặc trả lại tài sản và lấy lại tiền.

- Bên mua có nghĩa vụ chịu những rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản hoặc từ thời điểm chuyển giao quyền sở hữu.

- Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản cho bên bán theo đúng thoả thuận. Trong trường hợp các bên chưa có thoả thuận về việc thanh toán tiền thì bên mua phải thực hiện việc thanh toán theo quy định của pháp luật.

9. Tổng kết

Như vậy bài viết này đã cung cấp cho các bạn một số thông tin cơ bản nhất về hợp đồng mua bán tài sản. Dạng hợp đồng này khá là phổ biến nên rất có thể bạn đã, đang và sẽ gặp phải. Hãy tìm hiểu thật kỹ để áp dụng nó một cách chính xác nhất nhé. Nếu cần tư vấn thêm hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua:

================

CÔNG TY LUẬT VIETLINK

Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM

Hotline/zalo: 0914.929.086

Email: hanoi@vietlinklaw.com

Website: vietlinklaw.vn

Bài viết được lấy nguồn từ https://vietlinklaw.vn/tu-van-phap-luat/hop-dong-mua-ban-tai-san/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Công ty luật Hà Nội uy tín hàng đầu

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam