Hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu và những biện pháp bảo vệ

 Sử dụng trái phép nhãn hiệu chắc hẳn không còn là điều xa lạ đối với chúng ta. Trên thị trường hiện nay, có đến hàng trăm hàng ngàn sản phẩm nhái, kém chất lượng sử dụng các nhãn hiệu nổi tiếng. Điều này đã gây không ít thách thức cho nhà sản xuất, kinh doanh. Vậy làm thế nào để bảo vệ nhãn hiệu của mình? Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. HÀNH VI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP NHÃN HIỆU

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể khởi kiện hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ra Tòa án hoặc Trọng tài thương mại nếu hai bên có thỏa thuận trọng tài.

Khoản 1, Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005; các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như sau:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
Hai chai nước có nhãn hiệu gần giống nhau

Hai chai nước có nhãn hiệu gần giống nhau

  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Khi phát hiện hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu đã được bảo hộ, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu phải gửi thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.

2. BIỆN PHÁP BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU

• Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

• Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

• Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

• Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khi phát hiện các cá nhân, tổ chức khác thực hiện một trong các hành vi trên, chủ sở hữu nhãn hiệu cần thực hiện các công việc sau:

2.1. Thực hiện giám định sở hữu trí tuệ

Khoản 1 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009 quy định: “ Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.

Giám định sở hữu trí tuệ không phải là thủ tục bắt buộc, nhưng kết luận giám định lại là tài liệu quan trọng trong quá trình xử lý vi phạm. Đây được coi là nguồn chứng cứ để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Khoản 1 Điều 39 Nghị định 119/2010/NĐ-CP quy định nội dung giám định sở hữu trí tuệ bao gồm:

“1. Giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm các nội dung sau đây:

a) Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này;

b) Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và các điều từ Điều 7 đến Điều 14 của Nghị định này;

c) Xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;

d) Xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại.”

2.2 Thông báo đến cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm

Sau khi đã phát hiện hành vi sử dụng nhãn hiệu trái phép hoặc đã có kết luận giám định sở hữu trí tuệ, tổ chức, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể gửi thông báo yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại đến tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (điểm b khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

Trường hợp gửi thông báo đến tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nhưng họ vẫn không chấm dứt hành vi vi phạm thì có quyền :

  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm

–  Khởi kiện hành vi vi phạm ra Toà án hoặc Trọng tài

2.3. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm

Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính

Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính gồm các cơ quan, người có thẩm quyền xử lý như sau:

– Thanh tra Bộ Khoa học và Công Nghệ, thanh tra Sở Khoa học và Công Nghệ

– Đội Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường;

– Chi cục Hải quan, Tổng cục Hải quan;

– Trạm Công an cửa khẩu, Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ;

– UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh.

Hồ sơ yêu cầu xử lý vi phạm hành chính bao gồm:

– Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm

– Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền ( văn bằng bảo hộ, sổ đăng ký quốc gia về SHCN…)

Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền

Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền

– Chứng cứ chứng minh xâm phạm quyền  bao gồm : tài liệu mô tả, vật mẫu, hiện vật có liên quan thể hiện đối tượng được bảo hộ; vật mẫu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm; bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ; biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm và văn bản kết luận giám định sở hữu trí tuệ (nếu có).

– Văn bản uỷ quyền (nếu có)

2.4. Khởi kiện hành vi vi phạm ra Toà án hoặc Trọng tài

Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể gửi đơn khởi kiện ra Toà án về hành vi sử dụng nhãn hiệu trái phép của tổ chức, cá nhân khác hoặc khởi kiện ra Trọng tài thương mại (nếu các bên tranh chấp có thoả thuận bằng văn bản).

Thủ tục khởi kiện :

BƯỚC 1: CHUẨN BỊ HỒ SƠ KHỞI KIỆN

– Người khởi kiện chuẩn bị đơn khởi kiện, nội dung đơn khởi kiện phải có các nội dung quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự

– Tài liệu kèm theo đơn khởi kiện (chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp).

Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền (Văn bằng bảo hộ, Sổ đăng ký quốc gia về SHCN ). Chứng cứ chứng minh xâm phạm quyền  như: tài liệu mô tả, vật mẫu, hiện vật có liên quan thể hiện đối tượng được bảo hộ; vật mẫu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm; bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ; biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm và văn bản kết luận giám định sở hữu trí tuệ (nếu có).

Khởi kiện hành vi vi phạm ra Toà án

 Khởi kiện hành vi vi phạm ra Toà án

BƯỚC 2: NỘP HỒ SƠ KHỞI KIỆN TẠI TÒA ÁN

BƯỚC 3: TÒA ÁN XEM XÉT, THỤ LÝ GIẢI QUYẾT

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

–  Tiến hành thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

–  Trường hợp không thuộc thẩm quyền của Tòa án thì phải chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện biết.

Ngoài ra, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp sau:

  • Đang có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;
  • Hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu huỷ nếu không được bảo vệ kịp thời.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm nhãn hiệu bao gồm:

  • Thu giữ;
  • Kê biên;
  • Niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển;
  • Cấm chuyển dịch quyền sở hữu.

3. CĂN CỨ PHÁP LÝ

    • Luật Sở hữu Trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009;
    • Luật Tố tụng dân sự 2015;
    • Luật Tố cáo 2011;
    • Nghị định 105/2006/NĐ-CP;
    • Nghị định 119/2010/NĐ-CP;
    • Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007;

Quý khách hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

Công ty Luật Vieltink

▪ Địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

▪ Hotline: 0914.929.086

▪ Email: hanoi@vietlinklaw.com

▪ Website: vietlinklaw.com

Bài viết được lấy nguồn từ: https://vietlinklaw.vn/so-huu-tri-tue/hanh-vi-su-dung-trai-phep-nhan-hieu-va-nhung-bien-phap-bao-ve/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thủ tục giải quyết tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan

Quy Định Pháp Luật Về Hợp Đồng Li Xăng

Hợp đồng mua bán tài sản và những điều bạn nên biết